Sản dịch sau sinh khiến chị em vô cùng khó chịu, nhất là khi sản dịch kéo dài nhiều ngày. Hãy lắng nghe những tư vấn của ThS. Bs CK II Nguyễn Công Định để hiểu rõ hơn về sản dịch.
Tác giả bài viết: ThS. Bs CK II Nguyễn Công Định - Phó Giám đốc Trung tâm Khám, điều trị sản phụ khoa và Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội (Cơ sở II)
|
Sản dịch sau sinh là gì
Sản dịch sau sinh là dịch chảy ra từ âm đạo sau khi mẹ hoàn thành ca sinh. Trong sản dịch bao gồm máu, các mô từ lớp niêm mạc tử cung và có thể lẫn cả các vi khuẩn
Khi nhau thai bong ra khỏi tử cung, nó khiến cho các mạch máu tại nơi tiếp xúc giữa nhau thai và tử cung bị mở ra và lượng máu này chảy vào tử cung rồi chảy ra ngoài qua âm đạo.
Sau khi nhau thai được xuất ra khỏi cơ thể, tử cung sẽ co bóp để đóng các mạch máu kể trên và nhờ đó, giảm lượng máu chảy ra ngoài.
Mẹ không nên quá lo lắng về tình trạng này, vì trong thời gian mang thai, lượng máu trong cơ thể đã tăng lên khá nhiều nên chảy máu trong một vài ngày đầu sau sinh không gây ra tình trạng thiếu máu.
Trong 2 đến 4 ngày sau khi sinh, sản dịch sẽ chứa nhiều nước hơn, lúc này các mạch máu trong tử cung đã được liền lại nên lượng máu chảy ra sẽ ít dần và sản dịch sẽ chuyển màu hồng.
Sản dịch sau sinh thường thay đổi màu sắc trong vài ngày. Những ngày đầu tiên, sản dịch chứa nhiều máu và có màu đỏ tươi.
Sau khoảng 10 ngày, sản dịch sẽ có màu vàng hoặc trắng vì thành phần chủ yếu trong sản dịch lúc này là các tế bào bạch cầu và các tế bào từ niêm mạc tử cung.
Lượng sản dịch có khác nhau theo thời gian, thông thường:
- Trong 3 ngày đầu, sản dịch gồm các cục máu nhỏ nên có màu đỏ thẫm.
- Từ ngày thứ 4 – 8 sản dịch có màu loãng hơn, màu lờ lờ máu cá.
- Từ ngày thứ 8, sản dịch không có máu, chỉ là một chất dịch trong.
Lượng sản dịch có khác nhau theo thời gian. Ảnh minh họa
Sản dịch hết rồi lại ra phải làm sao?
Sau khi sinh, bên cạnh niềm hạnh phúc được chào đón bé cưng, mẹ cũng sẽ trải qua một số khó chịu, trong đó có hiện tượng sản dịch. Trong một số trường hợp, tử cung không co bóp tốt để phục hồi kích thước sau khi sinh, dẫn đến việc các mẹ bị mất nhiều máu do băng huyết.
Ngoài ra, một số mẹ còn bị bế sản dịch, tức là sản dịch không thoát ra ngoài được và cần được can thiệp để tránh nhiễm trùng.
Thông thường, trong 20 ngày đầu tiên sau sinh, sản dịch sẽ đi từ mức nhiều nhất đến thấp nhất và chấm dứt, bất kể là mẹ sinh theo phương pháp nào. 45 ngày, tức là khoảng 6 tuần sau sinh, bà đẻ sẽ hết sản dịch.
Tuy nhiên, việc sau sinh bao lâu thì hết sản dịch còn tùy thuộc vào đặc điểm cơ thể của mỗi mẹ. Cách chăm sóc mẹ sau sinh, chế độ sinh hoạt, vận động... cũng ảnh hưởng không ít đến thời gian ra sản dịch.
Đặc biệt, nếu mẹ cho con bú hoàn toàn thì cơ thể sẽ tiết ra một lượng hormone oxytocin, giúp tử cung co hồi lại nhanh hơn và giảm tình trạng chảy máu sau sinh. Nếu qua 6 tuần sau sinh mà sản dịch hết rồi lại ra thì mẹ nên đến bệnh viện để được kiểm tra, phòng tránh các nguy cơ nhiễm trùng hay biến chứng nguy hiểm.
Để thoải mái và giảm bớt khó chịu do sản dịch, mẹ có thể sử dụng các loại băng vệ sinh khổ lớn dành riêng cho các mẹ mới sinh. Tuyệt đối không nên sử dụng tampon ít nhất là 6 tuần sau sinh vì chúng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ảnh minh họa
Chuyên gia khuyến cáo
Các bác sĩ luôn đưa ra khuyến cáo để thoải mái và giảm bớt khó chịu do sản dịch, mẹ có thể sử dụng các loại băng vệ sinh khổ lớn dành riêng cho các mẹ mới sinh. Tuyệt đối không nên sử dụng tampon ít nhất là 6 tuần sau sinh vì chúng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Các mẹ cần đặc biệt lưu ý đến các bất thường xảy ra như chảy máu, đau bụng hoặc sốt cao… Tất cả các dấu hiệu này xuất hiện sau sinh đều cảnh báo biến chứng nguy hiểm.
Nếu sản dịch ra quá nhiều, trong vòng 1 giờ có thể làm ướt đẫm băng vệ sinh và xuất hiện những cục máu đông lớn, mẹ nên kiểm tra kỹ vì đó có thể là dấu hiệu băng huyết sau sinh.
Nếu sản dịch chậm kết thúc và mẹ bị sốt cao, đó là dấu hiệu điển hình của hiện tượng bế sản dịch, mẹ cần đến bệnh viện để được sơ cứu những biến chứng xảy ra.