Khi nào thì có thể cho con uống sữa, và nếu uống thì nên là loại sữa gì, lượng bao nhiêu là đủ? Đó là thắc mắc của không ít bậc cha mẹ khi muốn thêm sữa vào khẩu phần ăn cho con.
Thực ra, trẻ trên 1 tuổi đã có thể dùng sữa tươi với lượng vừa đủ để con có thể luân phiên dùng những thực phẩm giàu dinh dưỡng khác.
Có khá nhiều lý do giải thích cho việc tại sao cha mẹ phải đợi đến khi con được 1 tuổi mới cho uống sữa.
Trong sữa bò có chứa nhiều protein và khoáng chất có thể ảnh hưởng đến thận của bé. Hơn thế nữa, sữa bò cũng không cung cấp đầy đủ vitamin C, sắt và các chất dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu dinh dưỡng của trẻ dưới 1 tuổi, thậm chí nó còn có thể khiến bé thiếu máu. Với một số bé lượng đạm trong sữa bò có thể khiến trẻ bị dị ứng dễ dẫn đến hiện tượng bé đi ngoài ra máu. Quan trọng hơn cả là việc sữa bò không cung cấp đủ các loại chất béo lành mạnh cần thiết cho sự phát triển của bé trong giai đoạn này.
Khi được 1 tuổi, hệ tiêu hóa của bé đã phát triển đủ để có thể tiêu hóa được sữa bò tươi. Lúc này sữa bò tươi lại là nguôn cung cấp canxi khá dồi dào cho bé, giúp hệ xương và răng phát triển, Sữa tươi thường bổ sung lượng vitamin D giúp con hấp thu canxi tốt hơn để phát triển cơ và xương. Một số nghiên cứu cho thấy nếu được hấp thu đầy đủ canxi trong giai đoạn này trẻ sẽ ít có nguy cơ bị cao huyết áp, đột quỵ, ung thư ruột kết.. trong những giai đoạn sau của cuộc đời.
Lượng sữa tươi bao nhiêu thì đủ cho con?
Theo Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Mỹ (APP) nếu uống từ 300 – 400 ml sữa tươi mỗi ngày (khoảng 2 ly) thì sẽ sẽ có được lượng canxi và vitamin D cần thiết. APP cũng khuyến cáo cha mẹ không nên cho con uống 3 ly sữa mỗi ngày, bởi nếu uống quá nhiều sữa trẻ có thể sẽ không muốn dung nạp thêm bất kỳ loại thực phẩm giàu dưỡng chất nào khác. Nếu con vẫn còn khát, bạn có thể cho bé uống nước thay thế.
Một số mẹ vẫn tiếp tục cho con bú khi bé đã được hơn 1 tuổi. Mặc dù điều này có thể giúp con chống lại một số bệnh nhiễm khuẩn sau này song theo một số nghiên cứu gần đây thì việc này cũng góp phần làm con có nguy cơ bị thiếu sắt.
Cho con uống sữa béo hay không béo?
APP khuyến cáo các bậc cha mẹ nên cho trẻ 1 tuổi uống sữa nguyên kem bởi trong độ tuổi này con cần rất nhiều hàm lượng chất béo để duy trì việc tăng cân một cách bình thường và giúp cơ thể hấp thụ vitamin A và D. Khi trẻ được 2 tuổi, lúc này cha mẹ có thể quyết định nên cho trẻ uống loại sữa nào miễn là trẻ vẫn phát triển tốt.
Nếu trẻ đang bị thừa cân, gia đình có tiền sử béo phì, cholesterol cao hoặc mắc các bệnh về tim mạch thì bác sĩ sẽ đề nghị gia đình cho trẻ uống sữa ít béo ngay sau khi trẻ được 1 tuổi
Trẻ không thích uống sữa bò tươi
Việc trẻ không thích sữa bò là điều rất bình thường.
Đừng lo lắng qá nếu như trẻ không thích sữa bò bởi mỗi loại sữa đều khác nhau về hương vị và thành phần đôi khi là cả về nhiệt độ (so với sữa mẹ) vì thế một số trẻ sẽ gặp phải chút vấn đề khi chuyển đổi loại sữa.
Các mẹ hãy thử trộn sữa với một ít sữa mẹ hoặc với sữa bột con đang uống với tỷ lệ là 1 phần sữa mới với 3 phần sữa thường bé đang dùng rồi dần dần điều chỉnh tỷ lệ đến khi con uống được 100% sữa tươi.
Với những đứa trẻ không thích sữa việc phải đáp ứng đủ cho con 2 ly sữa mỗi ngày có thể là một vấn đề khó khăn. Thật ra có rất nhiều cách để đưa sữa vào chế độ ăn của con như thêm sữa vào ngũ cốc, cho con ăn thêm sữa chua, phô mai, váng sữa, làm súp với sữa thay vì nước…
Trẻ bị dị ứng với sữa thì phải làm gì?
Theo APP thì có khoảng 2-3% trẻ bị dị ứng với sữa. Nếu trẻ đã uống sữa công thức ngay từ khi mới chào đời mà không gặp phải bất cứ vấn đề gì hãy yên tâm là khi chuyển sang sữa bò tươi trẻ cũng sẽ không bị dị ứng với sữa.
Các biểu hiện thường thấy của dị ứng sữa là có máu trong phân, con cũng bị tiêu chảy và nôn mửa. Nếu bé hay bị nổi mề đay, phát ban xung quanh miệng và cằm, ho, thở khò khè hoặc khó thở cũng có thể là dấu hiệu cho thấy hệ hô hấp của bé bị ảnh hưởng bởi dị ứng sữa. Nếu các triệu chứng này tăng dần hãy nói chuyện với bác sĩ.
Nếu thực sự bé bị dị ứng với sữa bò, bạn cần cẩn thận không nên để trẻ ăn phải những loại thực phẩm có thể chứa sữa bò như phô mai, sữa đặc, kem, sữa chua, bơ….
Nếu bé không thể hấp thụ đủ canxi và vitamin D có trong sữa và các sản phẩm từ sữa khác, cha mẹ có thể đưa con đi khám để bác sĩ có thể tư vấn cho con một chế độ ăn khác hoặc có thể đề nghị cho bé bổ sung canxi cũng như vitamin D từ các nguồn khác.