Cấu trúc của tuyến vú
Bạn cần biết rằng mỗi tuyến vú được tạo nên từ 15-20 thùy tuyến (lobe), mỗi thùy tuyến gồm có nhiều tiểu thùy tuyến (lobule) nằm rải ra trong tổ chức liên kết đệm và tổ chức mỡ, bên cạnh đó còn có các
tiểu thùy và ống tuyến sữa.

Ngực của phụ nữ được tạo hoá thiết kế chặt chẽ và hoàn hảo cho thiên chức nuôi con bằng sữa mẹ. Ảnh: Inmagine.
Cấu trúc của tuyến vú vô cùng chặt chẽ và việc tiết sữa cũng có quy luật rõ ràng. Những ngày đầu sau khi sinh, bầu vú sẽ tiết ra sữa non colostrums để giúp bé tăng sức đề kháng, bé càng bú nhiều thì sữa càng được kích thích để tiết ra.
Cữ bú đầu sữa nhạt và mang tính giải khát, cữ sau sữa giàu năng lượng hơn và là nguồn thức ăn chính cho bé. Việc cho con bú sai cách sẽ phát sinh những chứng bệnh không mong muốn cho các bà mẹ, mà phổ biến nhất là bệnh viêm tuyến vú.
Nguyên nhân gây bệnh
Sau khi bé chào đời, việc bé bú sữa mẹ là điều hoàn toàn cần thiết và được khuyến khích bởi sữa mẹ có đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho trẻ. Tuy nhiên với những bà mẹ lần đầu nuôi con, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc bầu vú sẽ khiến họ gặp phải chứng bệnh khó chịu như tắc tia sữa, viêm vú...
Cũng do sinh con lần đầu, da đầu núm vú còn non, thêm vào đó việc cho con bú lần đầu thường chưa đúng cách khiến bé cứ lôi kéo, day mạnh gây tổn thương vùng da đầu núm vú, từ đó hình thành những vết nứt.
Đặc biệt ở những sản phụ núm vú thụt vào hoặc bằng phẳng quá, bé sẽ gặp khó khăn khi bú. Lúc này theo phản xạ tự nhiên, bé sẽ cắn mút đầu vú, hình thành nên những vết thương nhỏ và loét rộng ra, hoặc nếu bé chưa biết bú, sản phụ phải nặn sữa nhưng chưa biết cách nặn khiến núm vú cũng bị tổn thương. Dần dần dưới kích thích bú sữa của bé, đầu vú của sản phụ sẽ nứt rộng hơn.
Đây là thời điểm thích hợp để vi khuẩn tụ cầu vàng và liên cầu xâm nhập vào thông qua vết nứt trên núm vú hoặc đường tuần hoàn máu bị nhiễm. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới sự tăng trưởng của trẻ cũng như sức khoẻ người mẹ.
Triệu chứng bệnh
Nếu bạn cảm thấy bầu vú của mình nổi u và sưng lên căng tức, cảm giác ớn lạnh hoặc nóng sốt như người bị cảm cúm thì chắc chắn là một trong những ống dẫn sữa đã bị tắc và nguy cơ viêm tuyến sữa là rất cao.
Thử ấn nhẹ hoặc vận động mạnh cũng khiến bạn rất đau, sốt cao không hạ và mưng mủ cục bộ, nếu không kịp thời điều trị có thể dẫn đến chứng bại huyết, áp xe và buộc lòng phải nhờ đến sự can thiệp của dao mổ.
Cách thức chữa trị
Thông thường, nếu kịp thời dùng thuốc kháng sinh và trị liệu bằng thanh nhiệt giải độc của các bài thuốc Đông y thì bệnh tình sẽ được khống chế rất nhanh. Tuy nhiên cũng có rất nhiều sản phụ phải cố chịu đau để cho con bú khiến tình trạng bệnh càng trầm trọng hơn.
Cần lưu tâm và điều trị kịp thời ngay khi mới phát bệnh, có thể bôi thuốc kháng sinh dạng mỡ hoặc dầu gan cá sau khi bé bú xong. Nếu đầu vú đã nứt, tốt nhất là dùng dụng cụ hút sữa thay vì cho bé bú trực tiếp. Khi đã viêm tuyến sữa cấp tính thì bắt buộc bệnh nhân phải uống kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng mủ đã mưng lên, ngưng kết lại trong bầu ngực thì buộc lòng phải rạch để lấy mủ ra.
Phòng tránh bệnh viêm tuyến sữa như thế nào?
Để phòng tránh bệnh này không khó, sản phụ chỉ cần lưu tâm và thực hiện những điều sau:
- Cố gắng duy trì trạng thái tinh thần vui vẻ, tránh bị kích động.
- Dùng các loại thức ăn làm tăng sữa như chân giò hầm hạnh nhân, đu đủ xanh hầm chân giò, cá trắm tươi hấp, canh cá chép, canh trứng, đậu vàng hầm…
- Day đều bầu sữa để thông tia sữa ngay sau khi sinh.
- Nếu sữa quá nhiều mà trẻ lại bú ít thì phải vắt cạn lượng sữa thừa, mỗi ngày dùng khăn bông thấm nước ấm lau chùi vú 3-4 lần, xoa nhẹ để đề phòng vú căng to xệ xuống.
- Cho bé bú mỗi bên 10 – 15 phút rồi đổi sang vú khác.
- Mặc áo ngực cotton rộng, thoáng, có miếng mút nhỏ để giữ cho sữa đừng rỉ ra áo ngoài
- Vệ sinh vú sạch sẽ trước và sau khi cho bé bú.
- Lưu tâm đến những biểu hiện bất thường để chữa trị kịp thời.
misscare.com.vn