Bệnh táo bón thường gặp ở trẻ nhỏ, đó là hiện tượng ruột co bóp kém hoặc không đủ mạnh để bài tiết phân ra ngoài. Khi bị táo bón, phân thường cứng và khô. Táo bón làm cho bé cảm thấy khó chịu, kém ăn, đầy bụng, có thể làm nứt rách hậu môn của bé... Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm ảnh hưởng tới sự phát triển của bé. Chính vì vậy mà các mẹ cần biết những kiến thức liên quan đến vấn đề này để chăm sóc cho bé tốt hơn.
1. Nguyên nhân trẻ bị táo bón:
- Nguyên nhân thứ nhất là do tổn thương thực thể ở đường tiêu hoá, loại này hiếm gặp thường chỉ chiếm 5% trong các nguyên nhân gây táo bón, đó là các dị tật bẩm sinh: Phình to đại tràng, bệnh suy giáp trạng khi mắc các bệnh này trẻ thường bị táo bón rất sớm từ ngay sau khi sinh.
- Nguyên nhân thứ hai là do trẻ chưa được bú đủ nên chưa tạo thành phân hoặc do chế độ ăn của mẹ có nhiều đồ ăn cay nóng. Nếu trong thời gian bú, mẹ vẫn giữ thói quen ăn ớt, gừng, hạt tiêu…thì chất nóng trong các thực phẩm này sẽ đi qua đường sữa mẹ và đi vào cơ thể bé gây ra táo bón.
- Đối với những trẻ hiếu động, ham hoạt động, thích lật mình…thì cơ thể của bé sẽ mất nước nhiều hơn so với các trẻ khác. Các mẹ nên cho bé bú nhiều hơn và trong khi bú thì hạn chế đổi bên.
- Đối với trẻ ăn dặm sớm thì nguyên nhân làm cho trẻ bị táo bón có thể là do trong khẩu phần ăn của trẻ thiếu chất xơ, ít các loại rau củ dẫn đến táo bón.
- Có thể trẻ bị giảm trương lực ruột do mắc một số bệnh như: còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu… hoặc trẻ bị sốt, ho, cảm phải dùng đến thuốc kháng sinh gây ra rối loạn tiêu hóa dẫn đến táo bón.
2. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị táo bón:
Để phát hiện trẻ có bị táo bón hay không mẹ cần quan tâm, theo dõi tới việc đi đại tiện của trẻ.
Đối với trẻ sơ sinh, nếu bé đi đại tiện dưới 2 lần đại tiện/ngày, đối với trẻ đang bú mẹ nếu bé đại tiện dưới 3 lần đại tiện/tuần (trên 2 ngày/lần), và dưới 2 lần đại tiện/tuần (trên 3 ngày/lần)với trẻ lớn thì có thể trẻ đã bị táo bón.
Nếu thấy trẻ đi ngoài phân rắn, có khi thành viên như phân dê, trẻ phải rặn thì lúc đó bạn nên nghĩ ngay đến việc trẻ đã bị táo bón.
Trẻ có thể bị táo bón trong vài ngày hoặc vài tuần và thường được gọi là táo bón cấp tính nhưng trẻ cũng có thể bị táo bón kéo dài, lâu hơn đến vài tháng.
3. Phương pháp điều trị chứng táo bón cho trẻ.
Khi bé bị táo bón hãy cho bé uống nhiều nước:
- Với trẻ dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn không cần uống nước nhưng nếu bé bị táo bón thì vẫn cho uống 100 – 200ml nước/ngày.
- Với trẻ bắt đầu ăn dặm từ 6 – 12 tháng uống 200 – 300ml nước/ngày.
- Với trẻ 1 – 3 tuổi uống 500 – 600ml nước/ngày.
Đối với trẻ đã ăn dặm nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh và quả chín: Chọn các loại rau quả có tính chất nhuận tràng: rau khoai lang, mồng tơi, củ khoai lang, đu đủ, chuối tiêu, cam, bưởi.
Nếu trẻ đang bú mẹ mà mẹ cũng bị táo bón thì cần điều trị táo bón cho mẹ bằng cách: mẹ cần uống nhiều nước khoảng 2,5 đến 3lít nước một ngày. Ngoài ra mẹ nên ăn nhiều rau xanh và quả chín có tính chất nhận tràng như trên, có thể ăn thêm sữa chua hàng ngày.
Trường hợp bé có bú sữa ngoài cần chọn cho bé loại sữa có bổ sung thêm chất xơ.
Trường hợp với trẻ dưới 1 tuổi bạn có thể tác động bên ngoài bằng những cách sau đây:
- Nước ấm (áp dụng cho trẻ từ 1 tháng tuổi): Nước ấm có tác dụng kích thích cơ vòng hậu môn của trẻ. Các mẹ có thể làm 1 trong 2 cách sau đây:
Ngâm phần thân dưới của trẻ trong một chậu nước ấm khoảng 5 – 10 phút/lần, 2 – 3 lần/ngày.
Để bé có thể đi ngoài tức thì, mẹ hãy dùng khăn ướt hoặc khăn xô được làm ướt bằng nước ấm. Để nguội đến nhiệt độ hợp lý rồi day trực tiếp vào hậu môn của trẻ từ 30s đến 1 phút. Trẻ sẽ ngay lập tức buồn đi ngoài.
- Massage bụng ( áp dụng cho trẻ sơ sinh từ 1 tháng): Đặt bé nằm ngửa, có thể mặc quần áo nhưng hiệu quả hơn khi trẻ cởi trần. Mẹ đứng phía dưới chân, dùng cổ tay bên phải áp sát vào bụng của bé. Xoa nhẹ đều từ phần bụng trên bên phải sang phần bụng trên bên trái rồi xuống đến bụng dưới bên phải vòng lại theo hình số 8. Các mẹ chú khi không đưa tay quá mạnh, mỗi lần massage chỉ 10 phút và mỗi ngày từ 2 – 3 lần. Làm liên tục đến khi trẻ thông đại tiện được và sau đó nên duy trì từ 1 – 2 tuần nữa để củng cố hiệu quả chữa trị.
- Mật ong : Mật ong có tính nóng vì vậy khi bôi hậu môn sẽ giúp kích thích co thắt các vòng cơ hậu môn, giúp bé đi ngoài dễ dàng. Mẹ có thể bôi mật ong vào đầu tăm bông hoặc 1 cọng hành nhỏ ngoáy vào hậu môn bé sâu khoảng 1 cm và xung quanh bên ngoài. Chỉ 5 đến 10 phút sau bé sẽ đi ngoài dễ dàng.
- Rau mồng tơi: Tương tự như cách làm ới mật ong. Mẹ lựa chọn một cọng mồng tơi tươi, xanh và có cuống cứng. Rửa sạch và tước vỏ ngoài rồi ngoáy hậu môn trẻ từ 3 – 4 cái. Sau 5 – 10 phút trẻ sẽ đi ngoài dễ dàng.
Ngoài ra, mẹ cũng nên tập cho trẻ đi đại tiện đúng giờ quy định, chọn thời gian lúc nào trẻ không vội vã, thường nên chọn sau bữa ăn vì lúc này nhu động ruột hoạt động tăng.
Những trường hợp sau đây mẹ nên đưa bé tới bệnh viện khám ngay:
- Táo bón kéo dài trên một tuần, thay đổi chế độ ăn không có tác dụng
- Táo bón sau khi trẻ mới sinh, bụng chướng.
- Táo bón ảnh hưởng đến sức khoẻ : kém ăn, gầy sút, suy dinh dưỡng, kèm theo nôn.