MISS CARE - Chuyên Nghiệp Chăm Sóc Mẹ & Bé Sau Sinh Tại Nhà

CHÀO MỪNG NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27.2.1955 - 27.2.2015): Từ trái tim đến trái tim


Hẹn gặp PGS-TS-BS Nguyễn Quang Tuấn, tôi định tìm hiểu về mảng can thiệp tim mạch - ngành mà ông là một trong những chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam và cũng là mũi nhọn của Bệnh viện Tim Hà Nội - nhưng những gì mắt thấy tai nghe ở bệnh viện, tôi thấy ông không chỉ là nhà quản lý giỏi, mà còn có cả sự dũng cảm. Không chỉ vậy, qua câu chuyện của Quang Tuấn, tôi còn hiểu thêm một bác sĩ mà tôi ngưỡng mộ: Nhà giáo Nhân dân - Anh hùng Lao động - GS Phạm Gia Khải.

Hẹn gặp PGS-TS-BS Nguyễn Quang Tuấn, tôi định tìm hiểu về mảng can thiệp tim mạch - ngành mà ông là một trong những chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam và cũng là mũi nhọn của Bệnh viện Tim Hà Nội - nhưng những gì mắt thấy tai nghe ở bệnh viện, tôi thấy ông không chỉ là nhà quản lý giỏi, mà còn có cả sự dũng cảm. Không chỉ vậy, qua câu chuyện của Quang Tuấn, tôi còn hiểu thêm một bác sĩ mà tôi ngưỡng mộ: Nhà giáo Nhân dân - Anh hùng Lao động - GS Phạm Gia Khải.

 

PGS-TS-BS Nguyễn Quang Tuấn.

 

Thần tượng của người thầy

Lâu nay nghe ông truyền nghề một cách nhiệt huyết cho nhiều cơ sở y tế trên nhiều địa bàn, từ TPHCM cho đến các tỉnh miền núi phía bắc, tôi không khỏi ngưỡng mộ, nhưng cũng thấy là lạ. Nghe cách tôi hỏi, ông cười và với tay lấy cuốn sách “Tự sự của trái tim” - một trong nhiều cuốn sách viết về tim của mình - PGS Quang Tuấn đọc một cách hứng thú đoạn kết của GS Phạm Gia Khải viết tựa cho cuốn sách: “Kỹ thuật là cái già đi rất nhanh, nhưng tình người luôn luôn tươi trẻ, có yêu thương đồng loại mới có trí tưởng tượng vượt qua được những hạn chế nhất thời về điều kiện môi trường quanh ta chưa cho phép...”.

Quang Tuấn diễn giải rõ hơn: Mình không dạy thì cũng có người khác dạy, mà không dạy, kỹ thuật đó tự nó cũng chết vì nó mau già lắm. Chính khi đi dạy buộc mình phải tìm cái gì mới hơn, đó là động lực để mình phát triển. Nhưng đọng lại trong tôi nhiều hơn chính là thái độ trân trọng của PGS Quang Tuấn đối với GS Phạm Gia Khải không chỉ với tư cách một người thầy, một chuyên gia mà còn là một người có tầm nhìn chiến lược cho nghề y, đặc biệt là chuyên ngành tim và tôi có cảm giác ông coi người thầy của mình như một thần tượng.

Nhắc lại những ngày đầu đi chuyên sâu vào ngành can thiệp tim mạch, PGS Quang Tuấn cho biết, thời kỳ đó bệnh nhân về tim mạch chưa nhiều, nhưng biết đó là bệnh của tương lai nên dù thiết bị rất đắt, vật tư tiêu hao cũng đắt, nên nhiều bạn bè gàn nhưng thầy Khải vẫn quyết cử một số bác sĩ đi tu nghiệp ở Pháp chuyên về can thiệp. Thầy Khải nói, để kỹ thuật bằng thế giới, không gì bằng đi tắt, đón đầu. Lịch sử đã cho thấy, quyết định của thầy hoàn toàn đúng, mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Sau một thầy và một cô giáo của bộ môn Tim mạch, đến lượt Quang Tuấn - lúc đó tuy mới chỉ là bác sĩ nội trú - là người tiếp theo được thầy Khải cử đi Pháp học về đề tài “tim mạch học can thiệp”.

Khi nói chuyện ông luôn hướng về người thầy của mình. Ông khẳng định, chính nhờ sự định hướng sớm, quyết liệt của thầy Phạm Gia Khải, can thiệp tim mạch là ngành mà chúng ta có thể bằng vai với các nước khác và có tiếng nói trên thế giới. PGS Quang Tuấn cho biết, ngay từ những năm 97 - 98 của thế kỷ trước, ông đã cùng một số bác sĩ người Mỹ đi truyền lại những thủ thuật can thiệp ở một số địa phương. Nhưng từ năm 2000, ông bắt đầu đi một mình để truyền lại thủ thuật can thiệp (đặt stent) cho Bệnh viện Trung ương Huế và một số bệnh viện ở TPHCM như bệnh viện Nguyễn Trãi, bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Tim TP.Hồ Chí Minh và sau đó thêm khá nhiều bệnh viện khác.

Nhờ vị trí ngành can thiệp tim của Việt Nam trên bản đồ y học thế giới, PGS Quang Tuấn được mời tham gia một số hội thảo với tư cách là thành viên Hội đồng khoa học của những diễn đàn này. Ngay từ năm 2001, BS Tuấn đã đi báo cáo, biểu diễn can thiệp ở một số nước Châu Á, đi báo cáo một số lần ở Mỹ, Australia, Pháp. Thời kỳ đó, ông ở Việt Nam mỗi năm chỉ có khoảng 3 - 4 tháng.

Chuyên gia… truyền nghề

Là một nhà giáo, việc dạy, truyền nghề là chuyện đương nhiên. Nhưng cách truyền nghề nhiệt huyết như PGS Quang Tuấn lại không nhiều. Có lẽ, được như vậy bởi ông ngấm cách dạy nghề thấm đẫm tình cảm, tầm nhìn của thầy Khải chăng? PGS Quang Tuấn nói như tâm sự, hồi mới đi truyền nghề là do nhu cầu của các tỉnh gửi đề nghị về và thầy Khải cử tôi đi dạy. Ngoài những lớp tập trung ở Hà Nội, tôi trực tiếp về các địa phương để giảng dạy. Tuy nhiên, vì thực hành can thiệp đòi hỏi sự rất thận trọng, nên tôi chọn những học viên khá nhất đào tạo cho bằng thạo từng bước một, và những người đó lại tiếp tục là những người thầy, như kiểu vết dầu loang đúng như thầy Khải thường dạy chúng tôi. Nhờ vậy, đến nay trên cả nước đã có cả trăm trung tâm có khả năng can thiệp (nong, đặt stent; điều trị tim bẩm sinh…). Tôi cũng khá bất ngờ khi nghe PGS Quang Tuấn cho biết, hiện tất cả công tác chuyển giao, đào tạo, sách vở được miễn phí 100%, kể cả đào tạo tại Bệnh viện Tim và đào tạo tại chỗ.

Chính nhờ cách truyền nghề một cách tận tâm, chân thành, hiệu quả, nhiều tuyến ở địa phương gửi về đề nghị Bộ Y tế để Viện Tim Hà Nội trở thành bệnh viện hạt nhân và họ trở thành bệnh viện vệ tinh. Và đề nghị đó đã được Bộ Y tế chấp thuận. Kết quả, tháng 12.2013, Viện Tim trở thành chuyên khoa tuyến cuối của Bộ Y tế; tháng 3.2014 trở thành bệnh viện hạt nhân của 13 tỉnh, trong đó trực tiếp là hạt nhân của 6 tỉnh vệ tinh về tim mạch; hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến, Bệnh viện Tim đã viết và nộp về Cục Điều trị đề án Bệnh viện Tim Hà Nội là BV hạt nhân của Bộ Y tế.

Ca can thiệp bệnh mạch vành của các bác sĩ BV Tim Hà Nội.Ảnh: HẢI NGUYỄN

Đúc kết 20 năm truyền nghề của mình, PGS Quang Tuấn cho biết, để truyền nghề có hiệu quả, càng đi nhiều tôi càng nghiệm ra một điều: Không phải mình có gì mà quan trọng hơn là cần phải biết họ đang có cái gì, đang cần cái gì, từ đó mình mới định hướng lộ trình phát triển ra sao để đạt hiệu quả cao nhất. Nhờ kinh nghiệm này, công tác chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Tim được áp dụng rất tốt và được đánh giá rất cao.

Làm quản lý đòi hỏi cả sự… dũng cảm

Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, không ít nhà khoa học nổi tiếng lên làm lãnh đạo lại trở thành những nhà quản lý... kém. Nhưng trò chuyện với PGS-TS Quang Tuấn, tôi lại thấy ông là một nhà quản lý giỏi thực sự. Bởi lẽ, ông dám làm những điều mà nhiều người đứng đầu cơ quan không dám làm. Vẫn đang ổn định, nhưng để nâng cấp bệnh viện, ông mạnh dạn đi vay tiền và biết cách vận động để UBND TP.Hà Nội hỗ trợ một phần lãi suất ngân hàng. Nhờ đầu tư mạnh dạn, chỉ trong vòng 3 năm gần đây, bệnh viện không chỉ có bộ mặt khang trang mà số phòng khám, số phòng điều trị cũng tăng rất nhanh. Đồng thời ông cũng mạnh dạn chiêu mộ nhiều bác sĩ nội trú giỏi về làm việc. Chính vì vậy, bệnh viện đã có bước tiến trên cả 4 lĩnh vực: Nội khoa, ngoại khoa, tim mạch can thiệp và nhi khoa. Đặc biệt lĩnh vực phẫu thuật tim và can thiệp tim mạch đã có những bước phát triển vượt bậc, ngang tầm với các trung tâm tim mạch lớn trong nước và khu vực.

Khi tôi đề cập đầu tư như vậy liệu có liều không khi giá khám, điều trị của BV sẽ cao hơn các bệnh viện công khác? PGS Quang Tuấn tự tin khẳng định: Các bệnh viện tự chủ như chúng tôi là được tự chủ về tài chính, về tổ chức và chuyên môn. Đây là tiền đề rất tốt nếu biết làm và dám làm. Nguyên tắc của chúng tôi là những ai không làm được thì đứng sang một bên để nhường cho những người có tài, có tâm, có nhiệt huyết với công việc. Cũng nhờ tự chủ về tổ chức, ai giỏi thì được thăng tiến, thu nhập cao.

Thấy tôi băn khoăn về giá dịch vụ cao, PGS Quang Tuấn chia sẻ: Cao hơn là điều khó tránh khỏi, bởi lẽ bệnh viện tự chủ thì phải tính đủ 7/7 yếu tố cấu thành giá, còn các bệnh viện được bao cấp thì chỉ phải tính 3-4/7 yếu tố. Nhưng vì là tự chủ, chúng tôi đã đưa ra những giải pháp tiết kiệm quyết liệt, do đó giá dịch vụ thường chỉ cao hơn so với các bệnh viện bao cấp khoảng 10%. Vấn đề đặt ra là làm sao bệnh nhân vẫn đến với chúng tôi dù giá có cao hơn? Chúng tôi xác định, đấy là chất lượng chuyên môn, đấy là dịch vụ phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân. Nhờ vậy, bệnh nhân đến với chúng tôi mỗi năm một đông, trong 3 năm gần đây, tổng thu năm sau luôn tăng gần gấp đôi so với năm trước.

Mặt khác, với những người có tri thức, thì văn hóa cơ quan là vô cùng quan trọng. Với họ, ngoài tiền lương ra, việc được tôn trọng, được trọng dụng, được nhìn nhận đúng khả năng và môi trường thân thiện thì đó sẽ thực sự là ngôi nhà thứ hai của mỗi thành viên. PGS Quang Tuấn tự hào: Trong lúc nhiều bệnh viện công khác đang chảy chất xám bởi những lời mời mọc, lôi kéo của các bệnh viện tư, thì chúng tôi không những không có hiện tượng đó, mà còn thu hút được nhiều bác sĩ nội trú giỏi ở các bệnh viện lớn ở tuyến Trung ương, Hà Nội về đầu quân cho Viện Tim Hà Nội.

- Năm 2010, PGS Nguyễn Quang Tuấn được vinh danh nhân tài đất Việt về đề tài can thiệp mạch qua ống thông (đặt stent) - đề tài đã được đánh giá có ứng dụng cao nhất, hiệu quả cao nhất từ nhiều năm trước.

- Ngoài Nội khoa tim mạch, tim mạch nhi, phẫu thuật tim mạch là nền tảng và can thiệp tim mạch là mũi nhọn, hiện Bệnh viện Tim đã, đang phát triển ngành tim mạch chuyển hóa. Có thể hiểu một cách đơn giản, bệnh đái đường là gốc và bệnh tim là ngọn. Do đó, các bác sĩ tim mạch điều trị bệnh đái đường - đó là khoa tim mạch chuyển hóa và các loại bệnh rối loạn chuyển hóa dẫn đến các bệnh về tim. Như vậy, Bệnh viện Tim Hà Nội đang tìm cách chữa những bệnh phát sinh ra bệnh tim.
 
dich vu cham soc me va be sau sinh

Các Tin Khác :